Lịch sử Đảng Thanh niên Việt Nam

Giai đoạn 1925 - 1926, giữa lúc Sài GònNam Kỳ đang sôi động phong trào đấu tranh dân chủ, một số người yêu nước có tư tưởng dân chủ trong đó có Nguyễn An Ninh, Nguyễn Trọng Hy, Trần Huy Liệu[1]... và một số người Pháp tiến bộ đã chủ trương tổ chức một cuộc mít-tinh để phát biểu quan điểm của mình đối với Đảng Lập hiến và bày tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền Đế quốc thực dân Pháp.

Cuộc mít-tinh được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 năm 1926 tại Xóm Lách, đường Lanzarotte (Sài Gòn), gây tiếng vang lớn và chính tại đây đã tự phát hình thành một tổ chức mang tên Đảng Thanh niên Việt Nam. Đảng này hoạt động công khai mặc dù không xin phép chính quyền. Đường lối của nó không rõ ràng, chỉ hướng vào những hoạt động đòi quyền tự do dân chủ và cũng không có hệ thống tổ chức chặt chẽ. Hoạt động của nó chỉ sôi nổi nhất thời, nổi bật trong cuộc đón rước Bùi Quang Chiêu trong đó Đảng Thanh niên chống lại tư tưởng đề huề của lãnh tụ Đảng Lập hiến. Đảng Thanh niên cũng hoạt động tích cực vào việc đấu tranh đòi thả chí sĩ Nguyễn An Ninh, trở thành hạt nhân tập hợp quần chúng tổ chức đám tang Phan Châu Trinh (24 tháng 3, 1926). Tổ chức này cũng đã tham gia ký kết vào bản tuyên bố gửi Chính phủ Pháp của các đại biểu tổ chức An Nam Độc lập Đảng (1927).

Sau cuộc vận động đình công (dự định vào ngày 5 tháng 4, 1926) thất bại, cũng như do việc Nguyễn An Ninh và một số nhân vật của Đảng bị bắt, về căn bản Đảng Thanh niên chấm dứt hoạt động. Mặc dù chưa phải là một tổ chức chính trị thực thụ, nhưng sự xuất hiện và những hoạt động của Đảng Thanh niên là dấu hiệu phát triển của phong trào quần chúng đang đòi hỏi sớm có những chính đảng tân tiến hơn lãnh đạo. Nhiều nhân vật của Đảng Thanh niên sau đó tiếp tục hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng và các tổ chức Cộng sản.

Mấy nhân vật tiêu biểu